Hình thái học Pyrocephalus obscurus

Một con chim đớp ruồi đỏ son trống ở Công viên Quốc gia Bosque Protector Jerusalem, Ecuador

Chim đớp ruồi đỏ son là một loài chim nhỏ. Về kích thước, loài chim này dài 13 đến 14 cm (5,1 đến 5,5 in) theo chiều từ đầu đến đuôi và dài 7,8 cm (3,1 in) theo chiều từ đầu cánh đến thân cơ thể. Khối lượng của chúng dao động từ 11 đến 14 g (0,39 đến 0,49 oz)[9] và sải cánh có thể lên đến 24 đến 25 cm (9,4 đến 9,8 in).[13] Đây là loài dị hình giới tính rất rõ rệt. Con trống có màu đỏ tươi, bộ lông màu nâu sẫm, trong khi con mái được bao phủ bởi màu nâu xám, với phần bụng màu hồng đào và phần trên cánh màu xám. Tùy từng cá thể mà màu đỏ của loài chim này có thể khác nhau, nhưng phổ biến vẫn là đỏ son, đỏ tươi hoặc màu cam. Ở những cá thể trống, đỉnh đầu, ngực và phần thân dưới có màu đỏ, còn vùng trước mắt, gáy, lông che tai, cánh, phần thân trên cùng với đuôi lại có màu nâu hoặc nâu đen. Con mái có đỉnh đầu màu xám cùng lông che tai, cánh và đuôi màu xám. Lông bay và lông bao phủ ở cánh có màu xám nhạt, tạo hiệu ứng tương phản màu sắc. Các lông trên mắt có màu sáng hơn. Phần bụng có màu trắng, nhưng đỏ nhạt dần xuống phía dưới. Những cá thể tiền trưởng thành ở cả hai giới có hình dạng tương đồng với chim mái trưởng thành, nhưng vẫn có đôi chút khác biệt. Cụ thể, phần bụng chim trống có màu đỏ sáng hơn nhiều, trong khi chim mái lại có màu vàng nhạt. Bộ lông của loài chim này hoàn không đổi màu trong suốt cả năm ở cả hai giới trống, mái lẫn những cá thể tiền trưởng thành.[2] Bên cạnh đó, chúng còn có một nhúm lông mỏng trên đỉnh đầu, có thể dựng lên khi cần thiết.[14] Con trống trông nổi bật hơn so với các loài khác, nhưng con mái dễ bị nhầm lẫn với Sayornis saya do màu sắc nâu xám của chúng.[2]

Lông vũ lâu ngày được thay thế bằng quá trình thay lông. Quá trình này mất khoảng 62 đến 79 ngày, thường bắt đầu vào tháng 7 và kéo dài đến tháng 9. Nhiều cá thể chim đớp ruồi đỏ son chỉ thay lông sau khi đã di cư đến những vùng khí hậu ấm hơn. Việc thay lông diễn ra khá chậm so với các loài chị em khác trong họ của chúng. Bởi nếu quá trình này diễn ra nhanh, lông vũ mới sẽ không đạt chất lượng tốt nhất, từ đó cản trở việc bay lượn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến một loài ăn trên không như chim đớp ruồi đỏ son. Bên cạnh đó, từng có nhận định cho rằng các dạng mưa gió mùa gây tác động đến việc thay lông. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2013 đã bác bỏ nhận định này. Thay vào đó, các hiệu ứng chênh lệch thời gian dựa trên vĩ độ lại đóng vai trò quan trọng hơn trong việc lựa chọn thời gian thay lông.[15]

Một cá thể đang khoe lông bay

Tiếng hót

Theo nhà điểu học David Sibley, khi chim đớp ruồi đỏ son đậu trên cành, chúng phát ra tiếng hót có dạng pit pit pit pi-trờ-ờ-ờ-iiii-trờ-ờ-ờ,[16] trong khi Phòng nghiên cứu chim chóc, trực thuộc Đại học Cornell lại cho rằng âm thanh ấy có dạng chinh-ktinh-ờ-lê-tinh-kơ, với trọng tâm nằm ở âm tiết cuối cùng.[2] Cũng theo tổ chức này, khi bay lượn trên những tán cây hoặc khi cất tiếng hót gọi bầy, những cá thể trống thường phát ra giai điệu pit-pit-pri-iii-iiin. Bên cạnh đó, một âm thanh khác có dạng piiii-zzzz cũng xuất hiện khi chúng réo gọi nhau. Ngoài ra, âm thanh piii-ừn-t thường vang lên khi loài chim này tìm kiếm thức ăn, hoặc khi các cá thể trống muốn bày tỏ thái độ thù nghịch lẫn nhau. Khi giao phối, con mái có thể phát ra âm thanh có dạng t-giiiii-t-giiiii-t-giiiii.[2][16]

Tiếng hót của chim đớp ruồi đỏ son đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng lãnh thổ. Khi đậu trên cành, con trống chỉ hót đúng một giai điệu, nhưng giai điệu ấy có thể thay đổi khi chúng cần truyền đạt các ý định khác nhau. Tiếng hót của con trống được chia làm hai phần: phần đầu tiên luôn thay đổi, phần thứ hai gồm bốn yếu tố. Trong đó, phần đầu tiên thường kéo dài hơn trước lúc bình minh, hoặc khi loài chim này hoàn thành việc xây tổ. Những cá thể trống dùng phần này trong giai điệu hót để phô trương phẩm chất ưu tú của bản thân cho bạn tình tiềm năng, đồng thời biểu lộ mức độ thù nghịch với những con chim trống khác, cũng như mức độ mãnh liệt trong việc bảo vệ lãnh thổ.[17] Khác với chim trống, chim mái không hót liên tục.[18] Tại các vùng đô thị, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cũng phần nào tác động đến chất lượng tiếng hót của loài chim này. Có một số lượng lớn cá thể ở thành phố Mexico thường hót lớn và lâu hơn khi tiếng ồn xung quanh tăng lên.[19] Chim đớp ruồi đỏ son không hót quanh năm. Những cá thể sống ở Arizona hay Texas chỉ hót từ cuối tháng 2 đến tháng 7.[2]

Bên cạnh việc hót, chim đớp ruồi đỏ son còn tạo các âm thanh như búng mỏ. Chim trống búng mỏ xen kẽ trong lúc hót, trong khi chim mái thường búng mỏ khi quan sát những màn bay lượn tán tỉnh của chim trống. Ngoài ra, khi chuyền cành hoặc phô trương lãnh thổ (dù việc này hiếm khi xảy ra hơn), cánh của loài vật này thường phát ra âm thanh vù vù.[2]